Dưới đây là một số bài thuốc trợ khắc phục chứng bệnh:
– Cây xấu hổ là một cây nhỏ, mọc thành bụi lớn. Đặc điểm dễ nhận nhất của cây là lá khi đụng phải sẽ cụp rủ xuống nên có tên gọi như trên. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ và cành lá. Rễ được đào quanh năm, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Cành lá thu hái vào mùa hạ, dùng tươi hay phơi khô. Để chữa đau lưng, đau nhức xương khớp lấy rễ cây xấu hổ đã thái mỏng, tẩm rượu, sao cho thơm. Lấy 20 – 30g sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Nếu dược liệu nhiều, có thể nấu thành cao lỏng, rồi pha rượu để dùng dần.
–Cỏ xước: Cây cỏ xước là một cây thuốc nam mà trong đông y gọi là ngưu tất nam, Cỏ xước là một loại thân thảo mọc hoang sống lâu năm, có thể cao tới gần 1m, thân có lông mềm. Lá hình trứng, mọc đối, mép lượn sóng. Hoa nhiều, mọc thành bông ở ngọn, dài 20-30 cm. Quả nang là một túi, có thành rất mỏng, có lá bắc nhọn như gai, dễ mắc vào quần áo khi ta đụng phải. Hạt hình trứng dài. Để dùng làm thuốc, người ta nhổ toàn cây (liền cả rễ), rửa sạch, thái ngắn, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần. Cây có chứa nhiều tác dụng chống viêm rất tốt, mỗi ngày dùng 10 – 16g dạng nước sắc chữa sưng khớp gối, đau nhức gân cốt, đau lưng. Để phòng để phòng đau lưng có thể lấy Cỏ xước, thiên niên kiện, tang ký sinh mỗi vị12g, quế chi 6g. Tất cả rửa sạch nấu chung với 500ml nước, đun sôi cạn còn 300ml, uống ngày 1 thang, uống liên tục trong 2 tuần. Tùy từng cơ địa có thể thêm bồ công anh, sài đất mỗi thứ 8g có tác dụng thanh nhiệt.
–Đỗ trọng là vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây đỗ trọng. Vỏ thân và lá có nhựa mủ trắng, vỏ màu xám, khi bẻ đôi sẽ thấy những sợi nhựa trắng mảnh như tơ nối giữa các mảnh vỏ. Lá mọc so le, mép khía răng. Quả hình thoi dẹt, màu nâu. Hoa tháng 3-5; quả tháng 7-9. Đỗ trọng là vị thuốc có tác dụng bổ gan thận, làm mạnh gân cốt, lại có vị ngọt, tính ôn do vậy đỗ trọng còn được phối chế với nhiều vị thuốc khác làm thuốc. Để bổ thận, cường gân cốt, chỉ thống, dùng chữa chứng đau lưng chế làm rượu thuốc. Đỗ trọng 320g, đan sâm 320g, xuyên khung 200g. Tất cả thái vụn rồi ngâm với 1 lít rượu trắng. Sau 5 ngày thì dùng được, uống nóng, mỗi ngày 2 lần, nỗi lần 20 – 30ml. Ngoài ra có thể chế biến thành món ăn như: Đỗ trọng 50g, gan lợn 200g. Gan lợn rửa sạch, xát muối, sau thái miếng cho nước nấu cùng với đỗ trọng. Khi chín nêm gia vị vào, ăn cả nước lẫn cái. Tác dụng trị gan thận yếu, đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều lần.
–Thổ phục linh (Smilax glabra), còn có tên là khúc khắc, là một loại dây leo sống lâu năm, thân dài 4-5m, có thể tới 10m, có nhiều cành nhỏ, gầy, không gai, thường có tua cuốn dài. Lá mọc so le, hình trái xoan thuôn, phía dưới tròn, dài 5-13cm, rộng 3-7cm, chắc cứng, hơi mỏng, có 3 gân nhỏ từ gốc và nhiều gân con. Để làm thuốc người ta thường lấy thân, rễ phơi hay sấy phô, có thể thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào thu đông. Dược liệu có tác dụng lợi gân cốt, kiện tỳ, giải độc, tiêu phù. Mỗi ngày dùng 10-12g sắc uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác cho phù hợp với từng thể bệnh và cơ địa của mỗi người. Thổ phục linh 20g, thiên niên kiện, đương quy đều 8g, bạch chỉ 6g, cốt toái bổ 10g, sắc uống hoặc ngâm rượu uống chữa phong thấp, gân xương đau nhức, tê buốt tay chân rất hiệu nghiệm.
BS Trần Thị Hải (Bộ môn y học cổ truyền. Trường cao đẳng y tế Thái nguyên)
>Xem thêm: Rượu thuốc xoa bóp trị bệnh khớp