Theo Đông y, nguyên nhân của chứng ngứa da vào mùa đông nhất là ở người cao tuổi chủ yếu là do âm hư huyết táo, huyết hư sinh phong, sinh ngứa. Do đó, trong việc phòng chống rất cần phải dưỡng huyết nhuận táo, khu phong bằng các biện pháp khác nhau, trong đó có việc sử dụng một số bài thuốc đơn giản.
Bài 1: Đương quy, sinh địa, bạch thược mỗi thứ 15g, đan sâm 20g, phòng phong, kinh giới, bạch tật lê mỗi thứ 10g sắc uống hàng ngày. Nếu kèm theo khí hư, mệt mỏi gia 25g hoàng kỳ; nếu có cảm giác buồn bã chân tay gia 30g thảo quyết minh sống. Phương này có tác dụng dưỡng huyết, nhuận táo khu phong trị ngứa. Mỗi ngày sắc uống một thang, mỗi thang sắc 3 lần, chia uống sáng, trưa và chiều, bã thuốc sắc lại lấy nước rửa chỗ ngứa.
Bài 2: Dạ giao đằng 50g, khổ sâm, xà sàng tử mỗi thứ 20g, kinh giới 30g, hoa tiêu 5g. Nếu ngứa nhiều gãi bật máu và đau rát có thể gia thêm 15g mẫu đơn bì. Phương này có tác dụng thanh nhiệt, khu phong trị ngứa. Sắc uống mỗi một thang, bã thuốc sắc lại lấy nước rửa chỗ ngứa mỗi ngày 1-2 lần.
Ngoài ra có thể sử dụng bài thuốc dùng ngoài:
Bài 1: Vỏ chuối tiêu với một lượng vừa phải sắc lấy nước thấm vào khăn bông rồi chườm vào chỗ ngứa hoặc dùng mặt trong của vỏ chuối đắp trực tiếp vào chỗ ngứa.
Bài 2: Lấy vỏ quýt giã nát cho vào trong cốc, đổ nước sôi và chế thêm một chút muối. Trước khi dùng thuốc, gãi chỗ ngứa cho đến khi xuất hiện các đốm xuất huyết nhỏ thì dừng, dùng bông vô trùng chấm nước thuốc bôi vào chỗ ngứa trong khoảng 20 phút, sẽ có cảm giác đau rát nhưng hết rất nhanh. Mỗi ngày làm như vậy 2 lần.
Mùa đông thời tiết giá lạnh, việc bài tiết của tuyến nhờn dưới da gặp khó khăn và điều này lại càng làm cho lớp da của người già thêm khô. Người già thường sức chịu rét kém, khi trời vừa trở lạnh là mặc nhiều quần áo khiến cho quá trình hô hấp bình thường của da gặp khó khăn. Tình trạng ngứa da, nhất là khi đêm ngủ đắp chăn thường thấy ngứa ở tay, vai hoặc đùi, sau đó lan rộng đến toàn thân và càng gãi thì lại càng ngứa nhiều, thậm chí phải gãi tới mức da bị xây xát mà rớm máu.
Trong thời gian dùng thuốc cần ăn uống thanh đạm, tránh các đồ ăn thức uống cay nóng như hạt tiêu, ớt, tỏi, hành, gừng, cari, rượu…, cũng không nên ăn các loại thịt cá rán, nướng… và các loại thủy sản như tôm, cua, ốc, hến… Không nên dùng nước tắm quá nóng và không nên tắm quá nhiều lần, khi tắm càng không nên dùng xà phòng. Nên mặc các loại quần áo tơ lụa hoặc sợi bông nguyên chất, các loại sợi hóa học dễ tạo ra cảm giác ngứa.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn
>Xem thêm: Công hiệu chữa bệnh của cây tầm gửi