Y học cổ truyền cho chứng huyết áp thấp thuộc phạm trù “huyễn vựng” (chếnh choáng). Chứng “huyễn vựng” do huyết áp thấp gây nên, nguyên nhân cơ bản do tâm dương hư, khí huyết hư, khí hư dương hư…
Tỳ khí hư, huyết hư vì khí sinh hoá, khí có tác dụng thúc đẩy huyết, khí là thống soái của huyết, khí hành thì huyết hành, khí thăng giáng mất điều hoà, thanh dương không lên tâm não. Não thiếu sự nuôi dưỡng của huyết gây ra chứng đầu váng, mắt hoa, cũng có khi khí huyết hư không dẫn được toàn thân thì sắc mặt nhợt, tay chân run yếu, vô lực. Tuỳ từng thể bệnh mà dùng bài thuốc điều trị khác nhau:
Thể tâm dương hư
Biểu hiện: tinh thần mệt mỏi, chân tay lạnh, tim hồi hộp, mạch nhỏ, đập yếu. Bài thuốc: quế chi 15g, nhục quế 15g, cam thảo chích 15g, ngũ vị tử 25g. Sắc uống ngày một thang, trong 7-10 ngày.
Thể khí huyết đều hư
Biểu hiện: đầu váng, mắt hoa, ù tai, ngại nói, tinh thần mệt mỏi, ngực bí, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế sác. Bài thuốc: đảng sâm 15g, ngũ vị tử 10g, sơn thù 12g, cam thảo 10g, mạch môn đông 12g, sinh địa 12g, kỷ tử 12g, tất cả sắc uống, ngày một thang, trong 10 ngày.
Thể khí hư dương hư
Biểu hiện: sắc mặt trắng bệch, thở gấp, ngại nói, mệt mỏi, vô lực, chân tay lạnh, di tinh, hoạt tinh, chất lưỡi bệu, rêu trắng bợt, mạch trầm tế vô lực. Bài thuốc: hoàng kỳ 30g, ngũ vị tử 30g, đẳng sâm 30g, mạch môn đông 10g, sài hồ bắc 3g, tất cả sắc nước uống, ngày một thang, trong 10-15 ngày.
Những người bị chứng huyết áp thấp lưu ý khi đang ngồi, muốn đứng lên cần đứng lên từ từ để tuần hoàn của máu có thời gian thích nghi với sự thay đổi tư thế. Nếu cảm thấy người mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, đoản hơi…, nên uống 1-2 gói trà gừng hoặc 2-3 thìa cà phê đường glucose với 3 lát gừng tươi rửa sạch, cho vào 200ml nước sôi, uống lúc nước còn nóng, nghỉ ngơi 1 chút, cơ thể sẽ ổn định lại. Bên cạnh đó, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện thể thao hợp lý, phù hợp với sức khỏe.
>Xem thêm: Giảo cổ lam kéo dài tuổi thọ